Mọi sự liên hệ vui lòng gửi thư về

Quý vị liên hữu, đạo hữu có thắc mắc hoặc cần liên hệ, vui lòng gửi thư về
lamtuquan@yahoo.com hoac
  • www.facebook.com/phan.huunghia.102

31 thg 3, 2012

Ý NGHĨA CÚNG TRAI ĐÀN KỲ SIÊU

Kính thưa quý Phật tử,
 
A. Ý NGHĨA TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ KỲ SIÊU:
 
Trong tinh thần Phật giáo Đại thừa, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, không phân biệt màu da, chủng loại, còn sống hay đã khuất đều độ khắp qua nhiều phương tiện mà Trai đàn Bạt độ kỳ siêu là một trong những phương tiện ấy. Chúng sanh khi còn sống đã tạo nhiều nghiệp thì khi chết cũng xảy ra nhiều hình thức: chết nước, xe cộ, trong chiến tranh, bị đâm chém, uống thuốc độc, loài khác cắn, té sông biển, sụp hầm… bằng nhiều cách như thế nên chưa được siêu thoát, vất vưởng đó đây, qua nhiều hình thái khác nhau. Cảm thương cho những vong hồn ấy mà Nguyễn Du, trong Văn tế thập loại chúng sanh đã viết:
“Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ”.
Rất nhiều thành phần chết theo nhiều cách, gọi chung là “Thập loại Chúng sinh” hay “Thập loại Cô hồn”.
Theo bộ Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi do ngài Tam Tạng Bất Không Kim Cang dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường, thì Thập loại cô hồn gồm có:
1. Thủ hộ quốc giới: là loại oan hồn vì nước bỏ mình.
2. Phụ tài khiếm mạng: là loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, hay sẩy thai.
3. Khinh bạc Tam Bảo: là loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo, khinh chê Tam Bảo.
4. Giang hà thủy nịch: là loại oan hồn chết sông, chết biển.
5. Biên địa tà kiến: là loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm.
6. Ly hương khách địa: là loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi.
7. Phó hỏa đầu nhai: là loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém..
8. Ngục tù trí mạng: là loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù.
9. Nô tì kiết sử: là loại oan hồn chết vì bị đánh đập, hành hạ, đày đọa.
10. Manh lung ám á: là loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.
Mười loại cô hồn này sống không yên một nơi, nay nơi này mai nơi khác, tùy theo hoàn cảnh mà nương tựa, xuất hiện. Có những loại cô hồn bản tánh xan tham, thấy thức ăn là giành dựt cấu xé lẫn nhau, gây đau khổ với nhau. Hoặc có loại cô hồn nhìn thức ăn hóa ra máu không ăn được, chịu mọi thống khổ không sao kể siết, hứng nhận mọi cực hình. Đức Phật phóng quang thấy mọi cực khổ ấy, Ngài đem lòng thương vô hạn, thiết bày ra nhiều phương cách để cứu độ, không phân biệt loại hạn nào “Chúng sanh vô biên khổ nguyện độ khắp”, hay “Độ tận chúng sanh mới thành Phật” của Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Đó là lý do có Trai đàn Bạt độ kỳ siêu ra đời. (Thích Huệ Khánh trích soạn)
 Vậy thì ông bà cha mẹ, cữu huyền thất tổ người thân của chúng ta có biết đâu cũng nằm trong cảnh giới của mười loại cô hồn này ?
 
B. NGUYÊN NHÂN TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ KỲ SIÊU:
Một đêm khuya vắng nọ, ngài A-Nan đang ngồi tu tịnh, bỗng thấy một con quỉ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực lửa, thân hình quái dị, bảo A-Nan rằng: “Trong ba ngày nữa ông sẽ chết”. A-Nan nghe vậy quá hoảng hốt. Sáng hôm sau, Ngài A Nan đem việc ấy trình Đức Phật và hỏi nguyên do. Đức Phật giải thích xong dạy ngài A Nan phương pháp cứu giúp bằng cách đọc kinh niệm chú, bố thí thức ăn cho các loài ngạ quỷ thì được thoát khổ.
C. GIÁ TRỊ PHƯƠNG PHÁP CỨU TẾ NGẠ QUỶ:
 
Như đoạn trước đã trình bày, tinh thần Đại thừa Phật giáo không những độ sanh mà còn độ tử. Chúng sanh bị đọa vào địa ngục nếu không có phương pháp cứu tế thì bao giờ mới thoát khỏi mọi đau khổ, sẽ chìm đắm địa ngục mãi. Như kinh Địa Tạng dạy: “Người nam người nữ nào, lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà tạo nhiều tội lỗi, sau khi chết, hàng thân quyến vì người chết mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc Thánh Đạo, thì trong 7 phần, người chết hưởng 1 phần để siêu thoát, 6 phần còn lại, người sống hưởng” (Kinh Địa tạng phẩm thứ 7 Khuyên tu Thánh đạo ). Do vậy, độ sanh là trách nhiệm, độ tử là một hạnh nguyện của người con Phật, của tinh thần đại từ đại bi, đại nguyện của đạo Phật. Chính vì thế, ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát đã phát nguyện: “Khi nào độ hết chúng sanh khổ đau nơi địa ngục, Ngài mới thành Phật”. Muốn cứu độ chúng sanh phải dùng phương tiện, giống như muốn có cơm ăn no khỏi đói, khỏi đau bụng thì phải dùng lửa, điện… hạt gạo mới chín thành cơm để ăn. Cũng thế, chư Phật, Bồ tát muốn cứu giúp chúng sanh còn sống hay đã chết, quý Ngài dùng nhiều phương tiện để “âm dương lưỡng lợi” người sống an lòng việc mình đã làm đối với người đã khuất, người chết nhờ công đức này thoát cảnh đau khổ. Cho nên, Trai đàn Bạt độ kỳ siêu chư hương linh, Chẩn tế cô hồn là một việc làm cần có đối với người con Phật. Tuy nhiên, việc lập đàn Bạt độ kỳ siêu, chẩn tế phải đúng Pháp không nên bày vẽ những hình thức phí tiền của như đốt quá nhiều giấy tiền vàng bạc, làm hình nộm thế thân, tất cả những việc ấy không đúng tinh thần Phật dạy. Đúng Pháp ở đây cần nêu lên vài điều căn bản:
1. Vị chủ lễ chứng minh, thực hành lễ tế độ cùng những người tham dự chứng đàn phải thanh tịnh chí tâm.
2. Lòng thành người lập đàn phải chí thành, tha thiết cần nguyện..
3. Thiết trí đàn phải trang nghiêm, khuôn viên lễ phải sạch sẽ,thanh tịnh không ồn ào.
Chính nhờ những điều căn bản trên, Trai đàn sẽ có kết quả, chư hương linh, cô hồn, ngạ quỷ nương nhờ công đức này mà được siêu thoát hướng tâm tu thiện, cải tà quy chánh, quy kính Tam Bảo.
Người con Phật làm được hạnh nguyện này là pháp bố thí rất lớn, tạo được thiện nghiệp, Bồ đề tâm mở rộng, Đạo nghiệp sáng trong, trí tuệ phát triển.
Trong vòng sanh tử, tử sanh bất tận của mỗi kiếp người không ai không có bà con quyến thuộc. Kiếp sống một chúng sanh nào đó, họ chưa có duyên lành gặp Phật Pháp, chưa rõ lẽ nhân quả, nghiệp báo, nên khi chết làm sao tránh khỏi sự đọa lạc nơi chốn đau khổ, cực hình, đói khát vô cùng, vất vưởng đó đây, hang cùng hẻm nọ. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ Tát chứng ngộ mới thấy rõ nghiệp lành, dữ của chúng sanh mà dạy lại chúng ta. Chúng ta chưa chứng làm sao thấy sự đau khổ của họ! Vì vậy, với lòng thương vô hạn những kẻ chết bởi nhiều nghiệp khác nhau, Đức Phật dạy chúng ta lập trai đàn Bạt độ kỳ siêu, chẩn tế, giúp người đã khuất mau thoát cảnh cực hình. Cho nên, những người làm con, làm cha mẹ, làm anh chị không thể làm ngơ trước cảnh người thân mình rên siết khổ đau nơi tăm tối.
Do vậy, truyền thống này được lưu mãi đến ngày hôm nay, đặc biệt mỗi tự viện, khi có những Phật sự lớn, như Cầu an, Khánh thành, Đại tiểu tường một Sư trưởng trong chùa viên tịch hay hàng Phật tử tại gia thiết lễ chung thất, đại tiểu tường người thân quá cố hoặc những ai phát tâm muốn cầu siêu cho cữu huyển thất tổ của mình thì cũng lập đàn kỳ siêu Bạt độ cho chư hương linh trong khu vực.
Theo tinh thần dân gian, lập trai đàn Bạt độ chư hương linh, chư cô hồn được siêu thoát, họ sẽ đáp đền: làm ăn được hanh thông, phát đạt trong tinh thần “cứu vật vật trả ơn” hay “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.
Và một điều nữa, về mặt tâm lý, hai người giận hờn, thù oán rồi sanh ra đâm chém lẫn nhau, đưa đến hậu quả chết oan. Bây giờ, người còn sống sợ hãi, lập đàn tế độ sẽ xóa được gánh nợ tinh thần luôn luôn bị ám ảnh suốt trong cuộc sống, nếu chưa lập đàn tế độ!
Lập đàn tế độ là một phương tiện độ sanh nặng về tinh thần chứ không phải là một hành động “cứu rỗi” hay “phán xét”. Lập Trai đàn tế độ thể hiện bản chất từ bi hỷ xả của đạo Phật. Do vậy, những vị chủ lễ hay chủ sự, người thực hiện Trai đàn này phải đủ ít nhất 3 sự việc như đã nêu trên thì Trai đàn Bạt độ sẽ đưa đến những nhiệm mầu ngoài khả năng suy lường của chúng ta.
Như vậy, Trai đàn Bạt độ Kỳ siêu Chẩn Tế không ưu tiên cho bộ phận nào, thành phần nào trong xã hội mà dành cho tất cả mọi giới, mọi tầng lớp nếu phát tâm đại bi (tâm rộng lớn, tâm thù thắng, dõng mãnh…).
Trai đàn được thiết lập, trước nhất người con đối với ông bà cha mẹ, và người thân quá cố, sau thương tưởng đến mọi sinh linh.
Chúng ta đã biết rằng “Công Cha như núi Thái Sơn - Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, công ơn cha mẹ thâm trọng đối với con, nên cha mẹ khuất bóng, những người con lập đàn siêu độ là việc làm đúng Pháp, vâng theo lời Phật dạy “Hai dòng sữa Mẹ nuôi thân lớn, - Đôi cánh tay mền chắn gió sương
Cũng như trong bốn ân to, nặng, ân cha mẹ đứng đầu. Cho nên, lập trai đàn kỳ siêu bạt độ là Pháp cứu tế to lớn mà người Phật tử nên quan tâm.
 Tác giả: THÍCH TRÍ VIÊN
Trụ trì chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa
Thành phố Nha Trang
Slideshow một số hình ảnh trong lễ cúng trai đàn cầu siêu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì những lý do khách quan nên bài đăng của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi xuất bản. Chúng tôi thành thật cáo lỗi vì sự bất tiện này. Kính mong quý vị hoan hỷ cho
Thay mặt Ban điều hành đạo tràng
Trưởng chúng
Cư sĩ Huệ Nhân