Mọi sự liên hệ vui lòng gửi thư về

Quý vị liên hữu, đạo hữu có thắc mắc hoặc cần liên hệ, vui lòng gửi thư về
lamtuquan@yahoo.com hoac
  • www.facebook.com/phan.huunghia.102

31 thg 3, 2012

Thư trả lời Cư sĩ Huệ Quới

Thành phố Bến Tre, ngày 01 tháng 03 năm 2012
Kính gởi: Cư sĩ Huệ Quới kính mến,
Xin phép được gọi cư sĩ là Thầy, theo 2 nghĩa là một người Thầy trong sự nghiệp giáo dục đồng thời cũng là một vị Thầy trong Phật pháp.Bởi lẽ chổ sở ngộ của Thầy và em có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điều dị biệt nên hôm nay em viết thư này có đôi dòng phúc đáp cho Thầy để
gọi là trao đổi vài lời đạo lý trên tinh thần “ kiến hòa đồng giải”- “ ý hòa đồng duyệt”

A Di Đà Phật!
Kính thưa Thầy, những đạo lý mà Thầy trao đổi qua thư hầu như em đều đã có xem qua và nghiên cứu rất kỹ,song điều em muốn trao đổi với Thầy không phải ở chổ pháp môn nào cao hơn pháp môn nào thấp hơn vì như Thầy đã biết đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn …hay là việc tin hay không tin và hành theo pháp môn niệm Phật trong đời mạt pháp này mà ý em muốn chia sẻ trao đổi ở chổ mình hành trì pháp môn nhưng mình không chấp thủ pháp môn mà cần dung thông tất cả pháp môn.Nói dung thông tất cả không có nghĩa là tu hết tất cả các pháp môn mà Phật đã chỉ dạy, tùy theo hoàn cảnh trình độ và căn cơ tu tập mà mỗi người có ý hướng thích hợp với pháp môn nào thì tùy duyên theo pháp môn đó mà tu tập, há thầy đã không quên lời Đức Thế tôn đã nói dưới cội Bồ đề khi sao mai vừa mọc, Ngài khoát nhiên ngộ đạo: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “ Ta là Phật đã thành chúng sanh là Phật sẽ thành”
Vì lẽ đó, thưa Thầy tại sao chúng ta lại không đủ niềm tin vào nghị lực của chính mình có thể diệt dần “chi mạt vô minh” mà tiến lên quả vị Đẳng Giác?.Trong các kinh Thầy trích dẫn như kinh Đại tập , kinh Vô Lượng Thọ, kinh Niệm Phật Ba la mật…. tất cả đều là lời Phật nói , mình tin lời Phật nên mình hành theo là đúng nhưng Phật cũng dạy rằng “ Y kinh liễu nghĩa , tam thế Phật oan” nghĩa là bám chặt vào văn tự ngữ ngôn thì không đúng bản ý chư Phật nhưng ” lìa kinh nhứt tự - tức đồng ma thuyết” vậy là Phật dạy mình một bài pháp không lời : “không chấp pháp” hay là “qua sông thì phải bỏ bè” nếu hiểu đơn giản là vậy.
Hiện nay, đạo tràng chúng em cũng tu theo Tịnh độ có nghĩa là cũng lấy tôn chỉ niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc, thế nhưng theo quan điểm riêng của em là chúng ta cần nên xây dựng một cõi Tịnh độ giữa nhân gian hơn để tránh các luận điểm cho rằng người tu Tịnh độ là bi quan yếm thế chán đời chỉ tối ngày cầu chết??? và cũng có quan điểm khác cho rằng pháp môn Tịnh độ trong Phật giáo dường như giống với Tịnh độ thiên quốc của Thiên chúa giáo vì hứa hẹn một thế giới an lạc chấm dứt khổ đau trong khi đang sống giữa nhân gian đầy đau khổ.
Căn bản của người tu Tịnh độ vẫn là Tín Nguyện Hạnh không bao giờ thay đổi, Tín sâu nguyện thiết và hành chuyên chắc Thầy rõ hơn ai hết, nhưng không vì thế mà chúng ta dễ rơi vào trạng thái cực đoan chỉ thấy pháp môn Tịnh độ là số 1 vì như thế mình đã vô tình làm cho Phật giáo bị chia rẽ bởi tông nọ phái kia mà hơn ai hết trong hoàn cảnh đó chính những người Phật tử chúng ta lại tự đặt mình là những con vi trùng trong con sư tử đấy.”Sư tử trùng thực sư tử nhục” đó là điều mà em và Thầy đều chẳng ai mong muốn.
Cốt lõi của tất cả các pháp môn tu vẫn là Giới – Định – Tuệ , chư Phật ba đời đều lấy tam vô lậu học làm căn bản, người Phật tử tại gia với gia duyên còn nhiều bận buộc không thể xuất gia tu học như các Tăng ni đã là một thiệt thòi lớn nếu không chịu khó nghiên cứu học hỏi giáo lý Phật pháp thì cũng như người mù đi đêm chẳng bao giờ thấy được lối ra.Hơn nữa nếu không nắm vững lý thuyết mà đã vội đi vào con đường thực hành thì chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại, đấy cũng chính là cái bệnh khó trị nan y của người tại gia tu Phật hiện nay, cứ tưởng tu hành là phải sắm mõ sắm chuông, tụng kinh niệm Phật mới gọi là tu, nên phần đông Phật tử sơ cơ vẫn cứ đi vào con đường đó mà không hay biết là mình đi chưa đúng hướng.Vì lẽ đó mà cách đây hàng chục năm mới có những vị tại gia tu Phật là cư sĩ nhưng làm rạng danh Phật pháp như Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, gần đây có cư sĩ Diệu Âm úc châu…..các vị đó cũng tích cực hoằng dương chính pháp thuyết pháp giảng kinh nhưng vẫn niệm Phật hồi hướng tây phương trang nghiêm tịnh độ, học theo công hạnh các vị, chúng ta cũng nên làm một chút gì đó làm cho đạo Phật trường tồn, thời gian mạt pháp giảm dần cố gắng làm sao cho chánh pháp được lưu truyền ở thế gian, chúng sanh xoay vần truyền dạy lẫn nhau không dứt, có lý đâu lại muốn cho kinh đạo diệt tận, chánh pháp sớm suy tàn?
Cổ Đức cũng có lời rằng: “Chánh pháp lưu truyền tám vạn tư, không thừa không thiếu cũng không dư, năm nay tính lại chừng quên hết, chỉ nhớ trên đầu một chữ Như “ Thật vậy, chúng ta có dày công nghiên cứu cả đời đi chăng nữa thì cũng phải có lúc bỏ hết những gì gọi là “sở tri chướng” chấp vào cái thấy biết của mình, nhưng không vì thế mà không cần học, không cần biết và không cần hiểu gì cả, đó chính là vô minh vọng kiến ngăn che.Cái này Phật nhắc mình phải nên tu từ bậc “hữu học” tiến dần đến bậc “vô học” khi đến đó rồi mới là không cần phải học nữa.Như Thầy thì em không dám nói đã đến chổ “ vô học” hay chưa nhưng Thầy hạ thủ công phu thì em tin Thầy cũng có điều sở đắc, nhưng ngoài kia,Thầy ơi còn biết bao chúng sanh ,bạn hữu đồng học như mình đang phải ngụp chìm trong vọng kiến mê lầm? Vì lẽ đó mà chúng em chủ trương tu là phải có học đi kèm chứ chẳng phải là em không biết thời điểm bây giờ là “tu mau kẻo trể, đò chiều chuyến chót” nhưng Tu đó chính là sửa từ xấu thành tốt từ phàm thành Thánh đó thưa Thầy.
Trên đây chỉ là thiển nghĩ của em qua bước đường tu tập đã từng gặp gở tiếp xúc với nhiều Thầy ,bạn và từ các trường phái, hệ phái khác trong Phật giáo sau đó em đúc kết lại và mong muốn là mình phải làm mới quan niệm về Tịnh độ thoát ra những suy nghĩ lối mòn xưa cũ về Tịnh độ từ trước đến nay mong Thầy niệm tình hoan hỷ, nếu có gì sơ suất trong cách nói xin Thầy niệm tình thứ lỗi bỏ qua.Đạo là vô cùng, sở dĩ phải dùng ngữ ngôn văn tự để diễn đạt chứ không có ý sa vào lỗi hý luận pháp, “ý tại ngôn ngoại” mong Thầy hiểu cho.Kính chúc Thầy thân tâm thường an lạc, hạ thủ công phu, đắc thành sở nguyện.Xin mượn lời Thánh huấn của Hòa thượng Minh Trực Thiền sư trong Diệu Giác Tâm Kinh để kết thư:”Tức phải gắng đa văn quảng học, biết bổn tâm trí đốc biến thông, vạn bang Phật lý bao dung, pháp môn vô lượng thảy đồng liễu tri” ( trích Thiền Môn Nhựt tụng-Phật Bửu Tự Tổ đình)
Nam mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Huệ Nhân kính thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì những lý do khách quan nên bài đăng của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi xuất bản. Chúng tôi thành thật cáo lỗi vì sự bất tiện này. Kính mong quý vị hoan hỷ cho
Thay mặt Ban điều hành đạo tràng
Trưởng chúng
Cư sĩ Huệ Nhân