Sáng ngày 17/11 al Nhâm Thìn, Đạo tràng Pháp Hoa chúng
kiều đàm di 2 TPBT đã tổ chức lễ khai khóa tu gia hạnh Phổ hiền từ ngày 17/11
al đến hết ngày mùng 8/12 al
LỜI
SÁCH TẤN CỦA BTC KHÓA TU
GIA HẠNH
PHỔ HIỀN
NAM MÔ ĐẠI HẠNH PHỔ HIỀN BỒ TÁT
Kính Bạch Hòa Thượng Tôn sư Thượng Trí hạ Quảng
Kính thưa quý Phật tử
Thừa ủy nhiệm của
Cư sĩ Pháp Đạo Trưởng ban tổ chức Khóa tu, tôi xin thay mặt BTC khóa tu gia hạnh
Phổ hiền lần thứ nhất do chúng Kiều Đàm Di 2 TPBT tổ chức từ ngày 17/11 al đến
hết ngày mùng 8 /12 al năm Nhâm thìn xin tuyên đọc lời sách tấn của Trưởng
chúng như sau:
Trong vô lượng các
vị Đại Bồ tát, từ tha phương quốc độ đến Ta bà để trợ duyên với Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni giáo hóa độ sanh, có thể nói Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra) là một
trong các vị Bồ tát trợ duyên giáo hóa đắc lực nhất và có nhân duyên sâu nặng đối
với tất cả chúng sanh, thể hiện qua tâm nguyện thủ hộ Chánh pháp và hộ trì người
tu tập của Ngài. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo
Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta bà, nghe thế giới này thuyết
kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ
trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca
Phổ Hiền, tiếng Phạn Sàmantabhadra, dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà. Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.
Căn cứ vào tranh tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu bên phải, còn Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử hầu bên trái của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Bồ tát Phổ Hiền biểu thị Đại hạnh, Bồ tát Văn Thù biểu thị Đại trí, hai vị dùng trí tuệ và hạnh nguyện đồng trợ hóa cùng Đức Tỳ Lô Giá Na hóa độ chúng sanh.
Bồ tát ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà, biểu thị hạnh nguyện rộng lớn. Voi là loài có sức mạnh, kham nhẫn, có thể chuyên chở người và vật từ chỗ này sang chỗ khác. Bồ tát Phổ Hiền cũng thế, dùng Đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Voi trắng biểu thị Bồ tát tuy lăn lộn trong trần thế hóa độ chúng sanh nhưng Ngài không vướng nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn trong sạch. Sáu ngà trượng trưng cho Lục độ, sáu công hạnh tu tập của chư vị Bồ tát. Hình ảnh Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà mang ý nghĩa Ngài là vị Bồ tát với tâm Bồ đề vững mạnh, hoàn toàn thanh tịnh, khéo vận dụng Lục độ làm phương tiện giáo hóa độ sanh
Theo kinh Bi Hoa, tiền thân của Bồ tát Phổ Hiền là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo, thái tử đã phát tâm cúng dường Đức Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong ba tháng an cư, đồng thời đối trước Phật và đại chúng phát đại nguyện độ sanh. Sau khi thấy sự phát nguyện rộng lớn và kiên cố của thái tử, Đức Phật Bảo Tạng vô cùng hoan hỷ và thọ ký cho Ngài về sau thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai.
Mười đại nguyện của Phổ Hiền Bồ
tát
Nhất giả lễ kính chư Phật,
Nhị giả xưng tán Như Lai.
Tam giả quảng tu cúng dường,
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả tùy hỷ công đức,
Lục giả thỉnh chuyển pháp
luân.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế,
Bát giả thường tùy Phật học.
Cửu giả hằng thuận
chúng sanh,
Thập giả phổ giai hồi hướng
Theo sự chỉ dạy của Hòa thượng
Tôn sư thượng Trí hạ Quảng, vào cuối mỗi năm, các Phật tử thuộc đạo tràng Pháp
Hoa thành phố Hồ Chí Minh cũng như đạo tràng Pháp Hoa ở các nơi đều phải tu gia
hạnh Phổ Hiền. Tu gia hạnh có nghĩa là các Phật tử cần tu tăng tốc lên, tinh tấn
hơn ngày tu bình thường trong năm
Hòa thượng Tôn sư đã chọn 21 ngày tu gia hạnh Phổ Hiền,
vì Hòa thượng căn cứ vào phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát thứ 28, Đức Phật
Thích Ca và Bồ tát Phổ Hiền đã dạy chúng ta tu tích cực trong suốt ba tuần,
nghĩ về hạnh của Đức Phổ Hiền thì Ngài xuất hiện.
Theo Hòa thượng Tôn sư, các Phật tử nên chọn tượng Phổ
Hiền đẹp hay hình ảnh đẹp để trước mặt để quán tưởng, lần lần, chúng ta sẽ cảm
được, thì tượng Phổ Hiền trước mặt chúng ta sáng ra và Phổ Hiền trong tâm chúng
ta cũng sáng. Và từ thấy Phổ Hiền xuất hiện trước mặt và trong tâm chúng ta,
thì tâm chúng ta liền biến thành Phổ Hiền, mới nương được lực Phổ Hiền. Và
nương được lực Phổ Hiền rồi, tâm trí chúng ta mới sáng ra, nhận biết được những
điều khó biết nên không phạm sai lầm, đồng thời tâm chúng ta cũng trở nên thanh
tịnh, thì mọi việc xảy đến với chúng ta bỗng trở nên nhẹ nhàng, không phiền muộn.
Đạo tràng Pháp Hoa khởi tu gia hạnh Phổ Hiền từ ngày Đức
Phật Di Đà thành đạo là ngày 17 tháng 11 âm lịch và kết thúc ngày Đức Phật
Thích Ca thành đạo là ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Vì Đức Phật Thích Ca bắt đầu
vào thiền định cũng đúng ngày vía Đức Phật Di Đà thành đạo. Và Ngài an trụ
trong thiền định suốt ba tuần, đến ngày mùng 8 tháng 12, Đức Phật Thích Ca đắc
đạo.
Tu gia hạnh tuần thứ nhất: Lạy sám hối Hồng danh Pháp
Hoa và tụng Phổ Hiền hạnh nguyện kệ
Lạy sám hối và tụng Phổ Hiền hạnh nguyện kệ, nhưng chủ
yếu phải thực tập pháp quán Phổ Hiền, không phải tụng suông. Tụng để quán tưởng
bằng tâm, nghe bằng tâm. Đương nhiên bước đầu tu hành phải sử dụng ngôn ngữ là
tụng kinh và lạy Phật, nhưng chủ yếu vận dụng tâm thì mới nương được lực Phổ Hiền.
Thấy thế giới Phật cũng vậy, lúc đầu, nghe văn kinh diễn tả Phật và hành trạng
của Bồ tát. Sau đó, nương theo văn kinh để chúng ta hình dung ra Phật là bước
thứ hai. Người khéo vận dụng tâm mới đạt được điều này. Vì vậy, khởi tu gia hạnh
của chúng ta phải đặt tâm ở thế giới thanh tịnh bằng cách mượn lực Phổ Hiền để
dẫn chúng ta vào thế giới thanh tịnh; vì không có Bồ tát Phổ Hiền dẫn dắt,
chúng ta không vào được thế giới này. Nhưng làm sao mượn được lực Phổ Hiền?
Chúng ta phải tập tu đồng hạnh đồng nguyện với Phổ Hiền
Bồ tát, nghĩa là đi chung một đường với Ngài thì mới gặp được Ngài. Phổ Hiền
cho biết Ngài đi theo lộ trình gọi là mười đại hạnh. Vì vậy, chúng ta khởi tu
mười hạnh này để đi lần vào thiền định mà gặp Phổ Hiền Bồ tát. Tìm hiểu mười đại
hạnh Phổ Hiền để tu là tu gia hạnh Phổ Hiền. Mười hạnh Phổ Hiền là mười đại
nguyện mà Bồ tát Phổ Hiền đã thành tựu viên mãn, chúng ta thường đọc tụng trong
thời kinh mỗi ngày: Nhứt giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả
quảng tu cúng dường, tứ giả sám hối nghiệp chướng, ngũ giả tùy hỷ công đức, lục
giả thỉnh chuyển pháp luân, thất giả thỉnh Phật trụ thế, bát giả thường tùy Phật
học, cửu giả hằng thuận chúng sanh, thập giả phổ giai hồi hướng. Vì bài viết có
hạn, chúng tôi chỉ triển khai một ít ý nghĩa đại hạnh đầu tiên của Phổ Hiền là
"Nhứt giả lễ kính chư Phật".
Như Hòa thượng Tôn sư đã chỉ dạy, phải tìm tượng Phật
mình thích nhất là bước đầu để tạo độ cảm với Phật. Chúng ta thờ Phật, lạy Phật
là gia hạnh đầu tiên. Cảm được Phật thì nghĩ là có Phật thực trước mặt để lạy.
Người thờ Phật và kính trọng Phật thì lau dọn bàn thờ
Phật sạch sẽ và trang nghiêm bông trái đẹp, khiến người nhìn thấy phải phát tâm
tu. Từ tâm kính trọng Phật và coi như có Phật ngự ở đây, nên chúng ta quý trọng
cái gì nhất, chúng ta đem dâng cúng Phật và trang trí bàn Phật đẹp. Thờ Phật để
tạo độ cảm cho mình tiến tu; thờ Phật lấy lệ là không được. Lọ hoa phải thay nước
và cắt gốc mỗi ngày, bỏ lá úa, để chúng ta nhìn cảm được, mới tạo được sự gắn
liền giữa Phật với ta. Tuy bàn thờ Phật là cảnh giả, nhưng nương theo cái giả
này để dẫn chúng ta vào thế giới thanh tịnh; còn chấp vào cảnh giả này thì sẽ ở
trong sanh tử muôn đời.
Bước đầu, đối trước tượng Phật, chúng ta chỉ có một Phật,
nhưng quan trọng là tụng kinh nào thì hành trạng của Phật và Bồ tát trong kinh
đó hiện ra đầy đủ. Và tất cả Phật và Bồ tát chúng ta thấy được trong kinh đều
đưa vào tâm mình. Hòa thượng Tôn sư dạy rằng ngài nhớ kinh nhiều là do tu pháp
này. Còn tu không kết quả vì chỉ lưu giữ việc vui buồn vinh nhục của thế gian.
Những vui buồn này hiện lên trong biển Thức trước, do chúng ta huân tập vào và
việc thực tế sẽ theo đó hiện lên sau. Cũng vậy, chúng ta đọc kinh, thì Phật và
Bồ tát lưu trong lòng mình, nên biển Thức của mình hiện ra Bồ tát và Phật trước.
Vì vậy, tuy có một Phật, nhưng nhờ đọc kinh nhiều, nên Phật hiện ra nhiều. Yếu
nghĩa này được Phổ Hiền diễn tả rằng "Trong một trần có trần số cõi. Trong
mỗi cõi có nan tư Phật. Mỗi Phật đều ở giữa chúng hội. Tôi thấy hằng giảng hạnh
Bồ đề".
Nhờ chúng ta tụng kinh nhiều, công hạnh và cảnh giới của
Phật, của Bồ tát được đem vào lòng mình; do đó, hạnh đức và cảnh giới của Phật,
của Bồ tát dễ dàng hiện lên trong tâm khi chúng ta khởi nghĩ đến. Tâm không có
hình tướng và chúng ta không thấy, nhưng nó chứa đựng được dữ kiện nhiều vô lượng
vô biên. Chúng ta có một tâm thôi, chúng ta cũng không biết được tâm, nhưng tâm
có khả năng biết tất cả. Vì vậy, Bồ tát Phổ Hiền đã khẳng định rằng trong một
niệm tâm có đủ ba đời mười phương chư Phật.
Tu gia hạnh tuần thứ hai: Lễ Hồng danh Pháp Hoa và tụng
7 phẩm Bổn môn Pháp Hoa.
Trước nhất, Bổn môn Pháp Hoa có nghĩa là cốt lõi, hay
yếu chỉ của kinh Pháp Hoa. Cốt lõi của kinh này Phật muốn chỉ chúng ta
thấy Phật không Niết bàn, Ngài vẫn hiện hữu. Phật và chúng ta vẫn ở chung trong
một thế giới, nhưng chúng ta cách Phật, vì phiền não, nghiệp chướng và trần
lao.
Theo Hòa thượng Tôn sư, 7 phẩm Bổn môn Pháp Hoa gồm có
phẩm 1, phẩm 10, phẩm 15, phẩm 16, phẩm 17, phẩm 25 và phẩm 28. 7 phẩm này có ý
nghĩa rất quan trọng, vì đó là cốt lõi của bộ kinh Pháp Hoa 28 phẩm.
Phẩm Tựa thứ nhất thể hiện tinh thần vô lượng nghĩa,
vì tóm lược tất cả kinh của Phật nói đều nằm trong phẩm 1. Tất cả kinh mà Phật
giảng dạy nhằm đào tạo con người an lạc dù sống trong hoàn cảnh nào. Tu Pháp
Hoa được an lạc trong khổ lụy trần gian là chính, còn ở chỗ an, chúng ta được
an lạc là bình thường. Ở chỗ không an lạc, nhưng tâm chúng ta an lạc và thanh tịnh
ví như hoa sen ở trong bùn. Được như vậy, chúng ta mới tham dự được hội Pháp
Hoa và diện kiến được bổn Phật. Ý này tiêu biểu bằng hoa Mạn đà la và hoa Mạn
thù sa rơi xuống khi Phật nói kinh Pháp Hoa. Và nhờ có hai loại hoa này,
hay nhờ có tâm an lạc và thanh tịnh, chúng ta thấy được 18.000 thế giới, mới gặp
được Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ tát Di Lặc. Hai vị Bồ tát này tiêu biểu cho cốt
lõi của đạo Phật. Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ giải được tất cả mọi sự việc và
Di Lặc tiêu biểu cho phước đức. Hai vị Bồ tát này kết hợp với nhau mới có Pháp
Hoa. Như vậy, hướng về tương lai thấy Ngài Di Lặc ra đời và tìm về quá khứ thì
thấy có Bồ tát Văn Thù; đó là sự kết hợp quá khứ và vị lai trong một niệm tâm
tu của chúng ta.
Từ phẩm Tựa thứ nhất đi thẳng đến phẩm Pháp sư thứ 10,
không nhắc đến 8 phẩm giữa, vì từ phẩm 2 đến phẩm 9 kết tinh thành phẩm 10. Cốt
lõi của phẩm 10 thể hiện 3 ý cần ghi nhớ để tu. Ý một là Đức Phật Thích Ca đã
thành Phật, vì thương nhân gian mà Ngài sanh lại cõi đời này, Ngài mới đủ tư
cách là hành giả Pháp Hoa. Chúng ta chưa thành Vô thượng Đẳng giác mà tự xưng
mình là hành giả Pháp Hoa là đại vọng ngữ. Chúng ta may mắn gặp giáo pháp của
Phật để lại, nương theo được phần nào thì an lạc và giải thoát phần đó. Vì giáo
lý Phật có công năng làm tiêu phiền não và sanh ra công đức.
Ý thứ 2 trong phẩm 10 là ở trên cao nguyên đào giếng.
Đức Phật khuyên chúng ta nhẫn nhục tu hành và siêng năng làm việc đạo, ví như
ra công đào giếng không ngừng nghỉ, nhất định có ngày sẽ tìm được nước.
Ý thứ 3 trong phẩm 10 là muốn tu Pháp Hoa phải vào nhà
Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Tòa Như Lai là trí Bát nhã, áo Như
Lai là hạnh nhu hòa, nhà Như Lai là tâm từ bi.
Tuần lễ thứ ba của mùa tu gia hạnh Phổ Hiền, tụng các
bài kệ và kinh Bát Đại Nhân Giác.
Đạo tràng Pháp Hoa tụng các bài kệ tán thán hạnh đức của
chư vị Bồ tát và chư vị Thánh La hán mà các chúng trong đạo tràng đã thờ các
Ngài là vị Tổ của mình. Các bài kệ này do Hòa thượng Tôn sư cảm tác. Sau đó, tụng
kinh Bát Đại Nhân Giác nói về 8 điều giác ngộ của Đức Phật để nhắc nhở
các Phật tử ghi nhớ và thực hành 8 điều mà Đức Phật Thích Ca đã thành tựu trên
lộ trình tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tóm lại, trong mùa tu gia hạnh Phổ Hiền, mỗi người
trong đạo tràng Pháp Hoa cần nỗ lực tinh tấn tu hành, trên là nương nhờ thần lực
của Đức Phật và chư Bồ tát, cũng như nương theo sự giáo dưỡng của Hòa thượng
Tôn sư,và chúng hội đạo tràng để khai tâm mở trí, ít nhiều được thăng hoa trên
bước đường giác ngộ, giải thoát. Làm được như vậy, con đường lìa xa phiền não
khổ đau của chúng ta được rút ngắn lại và con đường chúng ta tiến đến quả vị hiền
thánh được gần thêm. Và đó chính là bổn hoài của Đức Phật, của chư vị Bồ tát và
của Hòa thượng Tôn sư. Các Ngài hiện thân trên cuộc đời này chỉ nhằm mục tiêu
duy nhất như vậy và mỗi năm tu gia hạnh Phổ Hiền, chúng ta càng thực hiện được
tinh ba của giáo pháp mà các Ngài đã trao truyền. Hành trang tốt đẹp đó sẽ nuôi
lớn căn lành của chúng ta để đời đời kiếp kiếp được làm quyến thuộc Bồ đề của
Phật, của Bồ tát và của Hòa thượng Tôn sư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Vì những lý do khách quan nên bài đăng của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi xuất bản. Chúng tôi thành thật cáo lỗi vì sự bất tiện này. Kính mong quý vị hoan hỷ cho
Thay mặt Ban điều hành đạo tràng
Trưởng chúng
Cư sĩ Huệ Nhân